Thông Tin Du Lịch
Bảo tàng Cội Nguồn – Nơi chứa đựng “cái hồn” Phú Quốc
Phú Quốc là một hòn đảo lớn nhất nước ta, là một vùng sinh thái và văn hóa biển đảo đặc thù, có bề dầy trên 300 năm khai phá, phát triển. Du khách đến Phú Quốc là tìm đến một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng. Lý tưởng từ thiên nhiên hoang sơ đến tình…
Phú Quốc là một hòn đảo lớn nhất nước ta, là một vùng sinh thái và văn hóa biển đảo đặc thù, có bề dầy trên 300 năm khai phá, phát triển. Du khách đến Phú Quốc là tìm đến một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng. Lý tưởng từ thiên nhiên hoang sơ đến tình người chân chất, mộc mạc. Nơi đây có sự hội tụ, giao thoa văn hóa của văn hóa dân tộc Kinh – Hoa – Khmer. Có một nơi giữ được “cái hồn” của Phú Quốc giúp cho du khách khám phá nét văn hoá đó, chính là Bảo tàng Cội Nguồn – Phú Quốc toạ lạc tại Thị trấn Dương Đông – Phú Quốc. Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Tây Nam Bộ.
Khai trương vào năm 2009, đến nay qua 11 năm hoạt động bảo tàng Cội Nguồn đã chứng tỏ sức hấp dẫn của mình. Đây không chỉ là một trong những nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng cư dân trên đảo mà nó phục vụ rất tốt nhu cầu tham quan tìm hiểu của du khách khi đến hòn đảo xinh đẹp này. Ngoài ra bảo tàng Cội Nguồn cũng tỏ ra khá tích cực trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương.
Đến Bảo tàng Cội Nguồn, du khách sẽ có được góc nhìn về một Phú Quốc mấy trăm năm tuổi. Bảo tàng được thiết kế khoa học tạo nên không gian hài hòa với một khung cảnh nên thơ và hùng vĩ.
Để triển khai tốt việc xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở không phải dễ. Trong khi nhiều địa phương trong cả nước còn lúng túng trăn trở với bài toán quy hoạch đất đai, đầu tư kinh phí để xây dựng thiết chế văn hóa thì tại Phú Quốc, với mô hình hoạt động của Bảo tàng Cội Nguồn đã chứng minh tính hiệu quả và sự đúng đắn trong chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa.
Mô hình Bảo tàng tư nhân này góp phần giúp cho nhà nước giảm được gánh nặng ngân sách đầu tư cho cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở mà còn thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân trên đảo đến sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vui chơi nhất là vào các dịp lễ tết đều có các hoạt động mới mẻ, vui tươi từ đó đưa đời sống văn hóa ở các địa phương không ngừng phát triển.
Để có được cơ ngơi như hôm nay, anh Huỳnh Phước Huệ đã bỏ nhiều công sức tiền của để sưu tầm những sản phẩm của rừng và biển, từ vỏ sò, vỏ ốc đến nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử.
Đến nay Bảo tàng đã có trên 2.000 hiện vật, trong đó Hội đồng thẩm định cổ vật của Sở Văn hoá và Thể thao đã xác định có 1.120 cổ vật. Ngoài ra còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật bằng gỗ quý, đá cảnh đẹp, hàng chục loại vỏ sò ốc biển, san hô, hàng trăm hiện vật cổ từ tàu đắm. Có lẽ món cổ vật có giá trị nhất là bộ rìu đá được xác định có niên đại hàng ngàn năm.
Có những bộ sưu tập gốm Việt Nam thế kỷ VII, VIII, gốm thời Lý, Trần và gốm Thái Lan, Trung Quốc có từ thế kỷ XV, XVI vv… Những cổ vật này giúp chúng ta hiểu và hình dung được các sinh hoạt vào thời vàng son của các triều đại, mang theo những giá trị lịch sử, nghệ thuật và khoa học lớn. Chính đó là sự kết tinh của trí tuệ, thấm máu và mồ hôi của dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử.
Bảo tàng Cội Nguồn còn có những hiện vật quí hiếm như: bộ xương bò biển, xương heo rừng, xương cá sấu, xương cá ông.
Tất cả hiện vật bảo tàng được trưng bày trong một toà nhà 5 tầng mới được đầu tư xây dựng và khu trưng bày ngoài trời với tổng diện tích lên tới 40.000 m². Nội dung trưng bày của Bảo tàng Cội Nguồn được chia làm 6 phần: Phần 1: Lịch sử tự nhiên và sinh vật cảnh Phú Quốc. Phần 2: Lịch sử khai phá và đấu tranh bảo vệ đảo Phú Quốc. Phần 3: Phú Quốc – nét đẹp văn hoá biển đảo. Phần 4: Phú Quốc – tiềm năng và triển vọng. Phần 5: Trưng bày chuyên đề (một số sưu tập đồ gốm cổ). Phần 6: Trưng bày ngoài trời.
Cội Nguồn có hẳn cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ làm từ gốc cây cổ đào trong rừng nguyên sinh Phú Quốc, những tượng nghệ thuật với nhiều cách tạo dáng như tượng Thánh, Chúa, phật Di Lặc, Mẹ bồng con, khỉ, cá, chim v..v….
Du khách đến với bảo tàng Cội Nguồn cũng có ấn tượng mạnh về khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều sinh vật cảnh giá trị.
Nơi đây từng lưu giữ và lai tạo giống chó quý hiếm Phú Quốc nổi tiếng thông minh với số lượng hàng trăm con, mỗi năm cho sinh sản trên 300 con.
Ngoài ra còn có khu bảo tồn 50 con đại bàng biển trưởng thành. Chúng là “đài khí tượng” chính xác vô cùng. Mỗi khi nghe tiếng kêu của chúng, người ta có thể đoán được trời có bão, có mưa, hay trời vẫn nắng tốt.
Tuy nhiên để góp phần bảo tồn thiên nhiên anh Huỳnh Phước Huệ đã quyết định thả những sinh vật cảnh yêu quý của mình về với rừng xanh Phú Quốc để chúng có cuộc sống tự do hơn.
Nhiều du khách đến đây tham quan đã bày tỏ rất ấn tượng với cái tên Cội Nguồn. Không biết từ bao giờ, nguồn cội đã trở thành một khái niệm thiêng liêng, có ý nghĩa hướng con người đến với những gì quý báu, gợi nhớ những điều vô giá nhất trong cuộc đời. Và có lẽ khu tham quan, du lịch, bảo tàng Cội Nguồn cũng được hình thành bắt nguồn từ cảm nhận ấy. Tiếng lành đồn xa, du khách đến Bảo tàng Cội Nguồn ngày càng đông hơn. Hiện nay, Bảo tàng Cội Nguồn được các công ty lữ hành xếp vào tour tham quan du lịch khi đến đảo Phú Quốc và nhiều du khách khi đến Phú Quốc đã ghé thăm bảo tàng độc đáo này.
Theo dulich.petrotimes.vn
Xem dự án đầu tư tại Phú Quốc
Xem dự án đầu tư tại Hạ Long