Câu Chuyện, Tin Thị Trường
Chuyện ở Hòn Thơm
Menu Bài ViếtĐảo dịch vụMỗi hộ có… hai căn nhàChúa đảo! Đảo dịch vụ Từ xa nhìn về Hòn Thơm, khách lạ không khỏi lo lắng nếu chuyến hải hành đã khiến lưng mỏi, bụng đói. Khung cảnh hoang sơ chỉ toàn ghềnh đá, dốc núi và cây rừng, thiếu hẳn bóng người. Vậy nhưng…
Đảo dịch vụ
Từ xa nhìn về Hòn Thơm, khách lạ không khỏi lo lắng nếu chuyến hải hành đã khiến lưng mỏi, bụng đói. Khung cảnh hoang sơ chỉ toàn ghềnh đá, dốc núi và cây rừng, thiếu hẳn bóng người. Vậy nhưng khi tàu vừa lọt qua mũi đá nhỏ, tiến về phía Nam đảo, một khung cảnh sầm uất đã hiện ra. Tàu đánh cá đủ loại, đủ cỡ. Tất cả đang neo đậu “dưỡng sức” sau chuyến ra khơi. Biết chuyện thì chẳng lạ. Bởi vùng biển này chính là ngư trường đầy ắp tôm thẻ, tôm rằn, cá bạc má… hấp dẫn ngư dân. Lặn bắt tay không, ngư dân giỏi nghề cũng dễ dàng tóm được những chú cá mú sao, sò điệp…
Bờ biển dốc thoai thoải, tàu du lịch nhỏ vẫn không thể cặp sát bờ. Khi tàu chúng tôi còn cách bờ hơn trăm mét, hàng loạt chiếc xuồng máy đã đồng loạt lao tới để “kiếm mối” chở khách vào đảo. Mười ngàn đồng cho bốn người!
Ngay sát những tàu đánh cá, xen kẽ có những bè nhỏ – mà theo anh Trịnh Công Phát, người sinh sống ở Phú Quốc đã nhận làm “hướng dẫn viên” cho chúng tôi, thì muốn bất kỳ loại hải sản nào ở đây như ghẹ, mực, cá… là các bè đều đáp ứng với giá cả phải chăng. Đây là những vệ tinh nhỏ, thu mua hải sản từ các tàu đánh cá.
Chiếc xuồng cặp bãi, ngay trước tiệm sửa chữa, tu bổ máy tàu. Vừa bước lên bờ cát, khu chợ nhỏ nhưng khá náo nhiệt đã hiện ra. Quần áo may sẵn, thực phẩm đóng gói, giày dép… bày bán đầy. Đi sâu vào trong, hàng loạt quán ăn nho nhỏ. Biển lặng, mỗi ngày có hai chuyến tàu khứ hồi ghé đảo, nên thịt cá, rau xanh… đầy ắp. Không thiếu thứ gì mà các chợ trong đất liền có. Tất cả chủ yếu phục vụ cho những khách lạ đến từ các tàu đánh cá ở Cà Mau, Phú Quốc, Rạch Giá… đang neo đậu ngoài kia.
Anh Võ Thanh Hiền, chủ một quán ăn, giải khát nho nhỏ cho biết: “Dân địa phương mua sắm, ăn uống là bao. Quán của tôi hầu như chỉ bán cho dân đi tàu ghé nghỉ tạm”. Tám tháng trước, hai vợ chồng anh đã rời bỏ xứ An Minh (Kiên Giang), dắt díu ra đây để mở quán. “Đất lành chim đậu mà!”, anh cười. Ngày đắt khách, cái quán nhỏ của anh đạt doanh thu bạc triệu là chuyện thường.
Cứ sau những chuyến đi biển mang về đầy ắp tôm cá, dân đi tàu lại tụ về các quán ăn uống, mua sắm. Hòn Thơm được xem như một “thành phố” cảng nho nhỏ, đáp ứng đầy đủ các dịch vụ hậu cần nghề cá.
Từ khoảng năm 1988, khi một số tàu Thái-lan tìm đến Hòn Thơm thu mua hải sản, tàu từ các nơi khác cũng theo đó đổ về, Hòn Thơm tự phát trở thành cảng. Đến những năm đầu thập niên 1990, có thêm ba cơ sở chế biến hải sản của người Thái-lan và Campuchia được mở ở Hòn Thơm, kéo thêm hải quan, biên phòng… đến lập trạm, không khí trên đảo sôi động hẳn lên. Dân đảo rất nhạy. Họ nhanh chóng học nghề, tìm mối mang. Dần dà, khi các tàu nước ngoài rút về, dân địa phương đã thế chân, đảm trách việc thu mua hải sản.
Đi suốt con đường cát nhỏ rợp bóng dừa, dài khoảng một ki lô mét chạy từ phía nam đến phía bắc đảo và “cắt” đảo thành hai phần bằng nhau, dễ tìm thấy đủ mọi dịch vụ. Từ xe ôm, quán karaoke, cơ sở sản xuất nước đá, bưu điện… đến các quán bia nằm sâu bên trong. Và hầu như dân cư trên đảo đều sống tập trung theo con đường cắt ngang này. Ông Trần Hồng Cam, Bí thư xã Hòn Thơm, cung cấp con số đáng nể: toàn đảo có 567 hộ nhưng có tới 62 cơ sở kinh doanh – dịch vụ có đăng ký hẳn hoi. Riêng nhà máy nước đá, mỗi năm sản xuất khoảng 1.800 tấn. Và còn rất nhiều quầy sạp mua bán nho nhỏ ở chợ, khó có thể thống kê hết. Hàng năm, nguồn thu ngân sách từ các cơ sở này chiếm khoảng 65% tổng thu ngân sách của xã. Hiện tại, xã có trên 110 tàu đánh cá, nhưng du lịch – thương mại đã được chính quyền địa phương xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm tới.
Chỉ có điều, ngoài hải sản thì mọi thứ đều đắt đỏ. Rau muống chuyển đến từ đất liền: khoảng 8.000 đồng/kg, điện sinh hoạt: 5.000 đồng/kwh… Ông Cam nói rằng, trước khi đầu tư 1,8 tỷ đồng cho trạm phát điện với hai tổ máy có tổng công suất 150kw, người dân phải trả đến 12.000 đồng/kwh cho một số hộ có máy phát điện…
Mỗi hộ có… hai căn nhà
“Dân Hòn Thơm rất giàu. Hầu như hộ nào cũng có đến… hai căn nhà”- ông Cam hóm hỉnh. Nhưng đó là sự thật.
Do đặc thù địa lý, phía Nam đảo chỉ yên sóng lặng gió khoảng tám tháng trong năm. Do vậy, cứ từ tháng 3 đến tháng 7 Âm lịch, tàu thuyền lại kéo nhau đổi chỗ, chuyển về mạn Bắc neo đậu. “Hòn Thơm có hai “cảng” ở Nam và Bắc đảo, nhưng thực ra chỉ một”- anh Võ Thanh Hiền, ngư dân ở Hòn Rỏi lân cận, khẳng định. Và hàng trăm hàng quán, dịch vụ… cũng hùa nhau di chuyển về Bắc đảo vào mùa gió Nam phục vụ dân đi tàu, nên chợ trên đảo cũng là hai… trong một.
Ở mạn Bắc đảo, trước mắt chúng tôi là dãy hàng quán vắng tanh, bỏ xó dưới những rặng dừa. Vài cái bàn bida bỏ không, nhếch nhác… Gió xô sóng đập ì ầm, tung bọt trắng xóa liếm vào cột những căn nhà sàn nho nhỏ. Chỉ có bóng vài đứa trẻ nô đùa…
Người đến đảo đã lâu, tích lũy được vốn, bỏ tiền mua nền, cất cả hai căn nhà ở Nam và Bắc đảo. Mới ra lập nghiệp như anh Hiền cũng “hùa” theo bằng cách thuê cùng lúc hai nền nhà, mỗi nền 600.000 đồng/tháng. “Cứ chăm chăm buôn bán ở Nam đảo, bốn tháng gió Nam lấy gì mà sống?”- anh nói.
Nhưng “hệ quả” kéo theo là người dân không dại gì dồn tiền “đầu tư hạ tầng” vào một chỗ. Cả hai căn nhà mà họ có hầu như là những mái lá, nhà gỗ xập xệ. Tìm đỏ mắt cũng khó thấy một căn nhà tường xây khang trang trên hòn đảo rộng hơn 400 ha này… Gió biển thốc mạnh, mấy mái tranh lại oằn mình, xào xạc…
Chúa đảo!
Theo lời những người lớn tuổi, vài trăm năm trước, hàng lượt ghe bầu từ miền trung kéo về đây khai thác đá mài. Lúc rảnh rỗi, họ vun đất trồng những cây giống thơm (khóm) mang theo. Dần dà, cây thơm phát triển ra khắp đảo. Cái tên Hòn Thơm ra đời từ đó…
Ông Bảy Nam được dân Hòn Thơm gọi là chúa đảo. Theo lời kể, ông chính là người đầu tiên đến khai khẩn lập đất ở Hòn Thơm. Thời đó, đi khắp cả hòn đảo đều toàn cây hoang, cỏ dại. Heo, nai… tụ đàn. Ông Bảy cặm cụi lập rẫy, bao quanh che mắt thú rừng, cứ đến mùa mưa là gieo lúa, trồng màu…
Bây giờ, “chức” chúa đảo được “truyền” cho ông Huỳnh Anh Tuấn, 70 tuổi, cháu ngoại của ông Bảy Nam.
Ông Tuấn hồi tưởng: “Khoảng năm 1946, Hòn Thơm đã có hai gia đình. Gia đình chúng tôi sống ở phía Tây, gia đình kia sống ở phía Đông. Nhưng có khi cả tháng chưa gặp mặt nhau thăm hỏi vì ngại lội bộ băng rừng”.
Dần dà, từ những năm 1980, dân tứ xứ tụ về. Ông Cam “tự hào” rằng dân Hòn Thơm hiện nay có đủ mặt người miền tây, người đến từ Long An, kẻ từ Cà Mau… tạo thành một bức tranh văn hóa ĐBSCL thu nhỏ. Dân trên đảo hiền lành, hiếu khách. Ngoài thương mại – dịch vụ, dân ở đây còn giỏi nghề đi biển, lặn bắt tôm cá. Cái nghề làm rẫy, trồng lúa của chúa đảo, giờ chẳng mấy ai theo. Cả xã chỉ có vỏn vẹn 87 ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng mít, xoài… Tuy vậy, thu nhập bình quân trên đầu người cũng ở mức 7,5 triệu đồng/năm.
Chúa đảo Huỳnh Anh Tuấn hiện sở hữu trên 13 ha đất, phần trồng cây ăn trái, phần chia nhỏ cho thuê… Đừng tưởng dân đảo không mê chữ. Hiện tại, 100% trẻ em đến tuổi đi học đều cắp sách đến trường. Như bốn người con của ông Tuấn, có hai người đã tốt nghiệp đại học, trong đó có một là bác sĩ…
Người ta đang tính chuyện chuyển Hòn Thơm thành một điểm du lịch. Những bãi biển cát trắng, những bãi san hô rải rác, khung cảnh hoang sơ… chính là yếu tố thu hút khách. “Chúng tôi đang chờ những dự án đầu tư du lịch để dân Hòn Thơm tăng tốc làm dịch vụ. “Vốn” có, nhưng bỏ không, tiếc lắm”- ông Cam nói.