Thông Tin Du Lịch, Tin Thị Trường
Định hướng 2040 quy hoạch Đảo ngọc Phú Quốc phát triển trở thành đô thị biển đảo
Thủ tướng vừa phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040, hướng đến phát triển Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo; trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao. 1. Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040 trở thành đô…
Thủ tướng vừa phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040, hướng đến phát triển Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo; trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao.
1. Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040 trở thành đô thị biển đảo
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040, phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Đồ án hướng đến phát triển thành phố Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo; trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị-văn hóa; không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo; phát triển đô thị theo hướng Tăng trưởng Xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ diện tích đất tự nhiên 589,27km² của thành phố Phú Quốc, gồm: 2 phường Dương Đông, An Thới và 7 xã Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Cửa Dương, Dương Tơ, Thổ Châu và các khu vực nghiên cứu khả năng phát triển, xây dựng trên biển tại phía Bắc và phía Nam đảo Phú Quốc.
Phân vùng phát triển không gian thành phố Phú Quốc chia thành 13 khu vực phát triển, gồm: Dương Đông, Bãi Trường, Bãi Ông Lang-Cửa Cạn, Bãi Vòng, Bãi Sao, An Thới, Vịnh Đầm, Bãi Khem và Mũi Ông Đội, các khu vực ven biển phía Đông, phía Bắc, phía Tây Bắc, quần đảo Nam An Thới, khu vực đảo Thổ Chu (xã Thổ Châu).
Đảo ngọc Phú Quốc hướng tới là đô thị biển đảo có sức hấp dẫn, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I; khu kinh tế biển có vị thế đặc biệt; trung tâm dịch vụ du lịch, sinh thái biển-đảo tổng hợp, trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng nêu rõ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc làm cơ sở pháp lý để quản lý, thu hút đầu tư, triển khai lập kế hoạch và thực hiện quy hoạch, chương trình phát triển đô thị.
Phú Quốc là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, cảng biển và cảng hàng không quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực; có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng của quốc gia.
Cùng với định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội tổng hợp, Phú Quốc tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật về giao thông, cao độ nền và thoát nước mưa, cấp nước, cung cấp năng lượng, xử lý chất thải, viễn thông.
Lĩnh vực giao thông, nâng cấp cải tạo Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc đến năm 2030 công suất 10 triệu khách/năm, sau năm 2030 là 18 triệu khách/năm.
Cảng biển đón tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu tổng hợp đến 30.000 tấn và các bến cảng An Thới, Vịnh Đầm, Bãi Vòng, Mũi Đất Đỏ đón tàu trọng tải đến 3.000 tấn kết hợp bến khách, phà biển, bến du thuyền phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố Phú Quốc.
Đối với cấp nước sinh hoạt cho đảo Ngọc, giai đoạn đến năm 2030, Phú Quốc nâng cấp công suất nhà máy nước Dương Đông lên 45.000 m³/ngày đêm; xây mới hồ Cửa Cạn và nhà máy nước Cửa Cạn công suất 50.000 m³/ngày đêm; xây mới hồ Rạch Cá và nhà máy nước Rạch Cá công suất 12.000 m³/ngày đêm; xây mới hồ Suối Lớn và nhà máy nước Suối Lớn công suất 25.000 m³/ngày đêm…
Thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt đối với các khu vực phát triển phía Bắc và Đông Bắc đảo, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài quý hiếm, đặc hữu, phục hồi hệ sinh thái rừng đối với Vườn Quốc gia Phú Quốc; bảo vệ hệ sinh thái thảm cỏ biển, động vật biển quý hiếm, rạn san hô…
Phú Quốc phát triển hành lang xanh, bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên gắn với du lịch sinh thái, văn hóa-lịch sử trên đảo ngọc.
2. Chủ tịch UBND TP Phú Quốc “Sức khỏe và giáo dục là nền tảng ưu tiên phát triển”
Ông Trần Minh Khoa – Chủ tịch UBND TP Phú Quốc chia sẻ về chiến dịch quyết liệt làm sạch, làm đẹp thành phố Phú Quốc, cùng nhiều dự án cộng đồng đang gấp rút triển khai sẽ làm nên thay đổi lớn cho đảo Ngọc trong thời gian tới.
Hiện nay công tác chỉnh trang đô thị, xử lý lấn chiếm lòng đường đang được thành phố đẩy mạnh triển khai. Vậy thành phố đặt ra kế hoạch cụ thể như nào, và mục tiêu hướng tới là gì thưa ông?
Thành phố Phú Quốc đã và đang đẩy mạnh xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè theo phương châm cuốn chiếu, với lực lượng nòng cốt là đội quản lý trật tự đô thị phối hợp cùng các phường, xã. Sau khi các tuyến đường được giải tỏa sạch sẽ, trách nhiệm quản lý sẽ được giao lại cho địa phương để đảm bảo không tái lấn chiếm, góp phần duy trì trật tự và mỹ quan đô thị.
Ngoài ra, thành phố cũng tập trung vào các dự án trọng điểm như xử lý rác thải, nước thải và cung cấp nước sạch, tạo nền tảng để Phú Quốc phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc gia và quốc tế. Chính quyền địa phương nhấn mạnh vai trò của việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân và du khách trong việc giữ gìn môi trường chung.
Với những nỗ lực quyết liệt và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Phú Quốc không chỉ giữ vững vẻ đẹp vốn có mà còn hướng đến sự sạch đẹp, hiện đại và bền vững hơn trong tương lai.
Theo Quy hoạch đến 2040, thành phố Phú Quốc định hướng trở thành một đô thị biển đảo; trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Vậy, đâu là vấn đề được Phú Quốc coi trọng nhất trong giai đoạn hiện nay để thực hiện quy hoạch này?
Với mong muốn thu hút thêm du khách quốc tế và trong nước, đồng thời tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp an cư lạc nghiệp, Phú Quốc coi y tế và giáo dục là hai lĩnh vực trọng điểm cần ưu tiên phát triển.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe không chỉ là yếu tố quan trọng với người dân mà còn là tiêu chí hàng đầu đối với du khách. Một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng được kết hợp với dịch vụ y tế chất lượng sẽ mang lại sự an tâm, nâng cao trải nghiệm du lịch cho khách tham quan.
Song song đó, hệ thống giáo dục tại Phú Quốc hiện vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của cư dân. Thành phố đang tích cực kêu gọi các nguồn lực đầu tư, từ ngân sách nhà nước đến vốn tư nhân, nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh, hiện đại, phục vụ tốt hơn cho cộng đồng.
Với chiến lược phát triển đồng bộ, Phú Quốc không chỉ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn là nơi lý tưởng để sinh sống và làm việc lâu dài.
Vậy, kỳ vọng của Phú Quốc về du lịch trong năm 2025 là gì thưa ông?
Sau mùa dịch, kinh tế cả trong và ngoài nước đều bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn theo lượng khách đến Phú Quốcsụt giảm. Tuy nhiên năm 2024 này, lượng khách nội địa không tăng nhiều, nhưng khách nước ngoài tăng rất mạnh. Từ quý 4 năm 2024 đến quý 1 năm 2025, trong dự báo và kế hoạch, chúng tôi nhìn thấy rõ lượng khách quốc tế đến Phú Quốc tăng mạnh từ các khu vực Đông Âu, Trung Á, Trung Quốc, và các nước lân cận như Đài Loan, Hàn Quốc. Đây là tín hiệu rất tốt không chỉ với Phú Quốc mà còn với cả nước.